Mặc dù tiêm chủng đôi khi có thể gây ra "phản ứng không mong muốn", nó vẫn cần phải được khuyến khích vì lợi ích to lớn mà nó mang lại: Phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm có thể gây nguy hiểm đến trẻ.

Tuy nhiên, có một trường hợp không nên chủng ngừa: trẻ em đang trong tình huống tiêm phòng có thể gây phản ứng nghiêm trọng. Những trường hợp này được coi là "chống chỉ định" của việc chủng ngừa.

Những "chống chỉ định" này bao gồm:

Chống chỉ định tạm thời:

- Con bạn đang bị sốt.
- Con bạn đang bị nhiễm trùng cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi, ...).
- Các em bé mới từ các bệnh nói trên, vẫn còn trong thời kỳ phục hồi.
- Bị viêm da (bệnh ngoài da, mủ) hoặc chàm.

Chống chỉ định lâu dài:

Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi tiến triển, tràn dịch (có nước) màng phổi,... nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính,...).

Một số chống chỉ định đặc biệt:

- Đối với tiêm phòng lao: Nên tránh cho các trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân; Các trẻ đang bị bệnh cấp tính; Các trẻ đang bị bệnh ngoài da lan rộng, đang tiến triển.
- Đối với tiêm phòng sởi: Nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh bạch cầu (1 dạng ung thư máu), các trẻ đang bị suy dinh dưỡng rất trầm trọng, các trẻ đang phải chữa bệnh bằng các loại thuốc corticoid (như "đề xa": Dexamethasone,...).
- Đối với tiêm phòng thương hàn: Nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh ở thận, đang bị tiểu đường, hoặc đang trong 1 tình trạng có hiện tượng dị ứng trầm trọng (như đang trong thời kỳ có cơn suyễn phế quản,...).

Tại sao lại có những trường hợp "chống chỉ định" như trên? Sau nhiều năm nghiên cứu, đã thấy việc tiêm phòng, trong các trường hợp đó có thể gây ra những tai biến đáng tiếc.

Để kết luận, có thể ghi nhớ như sau: Việc tiêm phòng cho trẻ luôn luôn là cần thiết, vì những lợi ích to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ, những phản ứng tạm thời của 1 số trường hợp không gây nguy hại cho trẻ, và cũng không làm giảm tác dụng phòng bệnh của việc tiêm phòng. Chỉ duy có 1 số trường hợp cần tránh tiêm phòng trong 1 thời gian thì cần ghi nhớ. Do đó, trước khi cho trẻ tiêm phòng, bà mẹ nên báo cho nhân viên tiêm phòng biết về tình trạng sức khỏe trước đây và hiện nay của trẻ, để nhân viên y tế cân nhắc trước khi tiêm phòng và có thể hoãn lại ngày tiêm nếu cần thiết. Có thể tốt hơn nữa, nên hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi đưa trẻ đến nơi tiêm phòng.

Đánh giá vnvc